02:37:16 – 28/07/2014
1. Cá cảnh thủy sinh tầng mặt
Mỗi loài cá sẽ thích nghi với từng tầng nước khác nhau, các loài thủy sinh cũng không ngoại lệ. Với những chú cá cảnh ở tầng trên cùng thì thực vật nổi chính là yếu tố quan trọng hàng đầu vì đó vừa là nguồn thức ăn, vừa là nơi ẩn náu quan trọng của chúng. Ngoài ra những loài cá tai tượng, cá sặc còn làm tổ bọt ngay chỗ có thực vật nổi để đẻ trứng.
Một số loài cá thủy sinh thích nghi rất tốt ở tầng mặt bao gồm: Cá thia mang đỏ, cá sặc gấm, cá sặc mật, cá thủy tinh, cá cờ chấm, cá bảy màu, cá Molly, cá kiếm….
2. Cá cảnh thủy sinh tầng giữa
Một số loài cá lớn có thể được nuôi trong hồ thủy sinh mà không làm đến các loài cá khác đồng thời làm cho bể cá sinh động và hấp dẫn hơn. Điển hình nhất trong đó phải kể đến cá ông tiên (Pterophyllum scalare) với cách di chuyển vô cùng duyên dáng. Mặc dù khi đạt tới kích thước trưởng thành, loài cá này đủ lớn để xơi tái tất cả những con cá nhỏ hơn, chẳng hạn như cá neon đỏ non (Paracheirodon axelrodi) hay lòng tong tam giác non (Rasbora heteromorpha) nhưng nếu biết cách chăm sóc, bạn vẫn có thể tạo ra một môi trường an toàn với không gian hòa thuận.
Những loài cá lớn phù hợp với hồ thủy sinh có thể điểm danh như: cá rô cẩm thạch, cá ông tiên, cá đĩa, cá sặc trân châu, cá sặc bướm. Còn với các loài cá nhỏ, ứng cử viên hàng đầu là cichlid vàng lùn, cichlid vẹt lùn, cá lông gà, cá phượng hoàng…
Lưu ý, bạn có thể nuôi chung 1 số loài cá lớn như trân châu, cẩm thạch và cẩm thạch vàng này để phòng tránh sự hung dữ của từng cá thể. Những loài cá lớn này rất duyên dáng và bơi lội khoan thai nên không làm hại đến cây thủy sinh.
3. Cá cảnh thủy sinh tầng đáy
Những loài cá tetra và lòng tong nhỏ là bổ sung sống động và tuyệt vời nhất cho hồ thủy sinh tầng đáy của bạn. Chúng bơi theo bầy lẫn trong lá cây và vật dụng trang trí trong hồ, thường rượt đuổi lẫn nhau khiến tách thành từng nhóm nhỏ. Hầu hết các loài cá tetra thích hợp với nước hơi mềm và có tính a-xít, môi trường phù hợp với hầu hết cây thủy sinh.
Chuột cory cũng là loài nuôi theo bầy rất hữu ích bởi vì chúng xáo trộn nhẹ nhàng lớp nền trong khi liên tục tìm kiếm thức ăn giúp cho lớp nền được xốp hơn.
4. Một số loài cá thủy sinh dọn bể khác
Hầu hết dân chơi cá cảnh chuyên nghiệp đều nuôi thêm những loài cá thủy sinh có thể ăn tảo hoặc vụn thức ăn, cặn bã với vai trò như một công nhân dọn bể đích thực.
Cá ăn tảo: là loài được nuôi nhiều nhất vì bề mặt của lá cây thủy sinh chính là môi trường lý tưởng để tảo phát triển và nếu tảo không được làm sạch khỏi những cây lá lớn, nó có thể cản trở quá trình quang hợp của cả cây và cá. Làm sạch tảo bằng tay khá khó khăn và thường khiến lá bị tổn thương nên việc nuôi thêm những chú cá ăn tảo là lựa chọn thích hợp nhất. Hầu hết các loại tảo đều chứa nhiều chất đạm và giàu dinh dưỡng, cho nên chúng là nguồn thức ăn lý tưởng đối với cá. Không phải mọi loài cá đều tiêu thụ tảo với số lượng lớn, nhưng qua nhiều năm rèn luyện, một số loài nhất định đã thích nghi và phát triển thành loài ăn tảo xuất sắc như nhóm cá tỳ bà, cá chuột, cá chuồn sông, cá bảy màu, cá Molly…
Cá vệ sinh: Ngoài cá ăn tảo thì cá vệ sinh là công nhân dọn bể quan trọng thứ hai sẽ giúp giải quyết tất cả những cặn bã có trong bể. Chuột cory là loài cá vệ sinh lý tưởng nhất và được nuôi thành nhóm nhỏ trong hồ thủy sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể nuôi thêm cá bống cát, cá heo hề… Mặc dù cá vệ sinh kiếm được nhiều thức ăn dưới đáy, bạn vẫn cần cho chúng ăn thêm thức ăn viên và tấm để đảm bảo những chú cá luôn nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.