Cá cảnh là loại vật nuôi được TP HCM xác định là mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi giai đoạn từ nay đến năm 2025. Thế nhưng cá chép Nhật (cá KOI), và cá chép Vàng, còn gọi là cá Tàu là hai loại cá chủ lực trong XK của VN đã bị tắc đường sang EU từ năm 2004, và sang Mỹ từ năm 2006 đến nay.
Ông Võ Văn Sanh – chủ cơ sở cá cảnh Ba Sanh đang có diện tích nuôi cá cảnh trên 3 ha cho biết hiện cơ sở ông vẫn tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, là nguồn cung ứng chủ lực cho hầu hết các cửa hàng cá cảnh tại TP HCM và cả nước. Nhưng từ khi bị tắc đường XK sang thị trường Mỹ và Châu Âu mỗi năm, ông giảm doanh thu khoảng 300.000 USD.
Theo ông Sanh, cá cảnh có thể có giá trị là vô giá vì đây là cá nuôi chơi, càng đẹp càng bán được giá. Tại Mỹ và Châu Âu, giá cá cảnh đắt gấp 10 lần tại VN.
Ông Sanh cũng cho biết, trước năm 2006, cơ sở của ông chiếm 100% thị phần XK cá chép Nhật (cá KOI) hàng cao cấp sang Mỹ, còn loại trung bình chiếm khoảng 50%. Nhiều cơ sở XK khác cũng thường lấy lại cá KOI và cá vàng của cơ sở ông để XK.
Ông Tống Hữu Châu – chủ trại cá Châu Tống, cơ sở XK cá cảnh đạt trung bình trên 1 triệu USD/năm cùng cảnh ngộ với ông Sanh cho biết, cơ sở của ông cũng bị thiệt hại nặng nề do hơn 2 năm nay không XK được cá KOI và cá vàng sang Mỹ và EU.
Gỡ khó nhưng chưa hiệu quả
Theo các DN, từ khoảng đầu năm 2004, EU cấm nhập khẩu cá KOI và cá Vàng từ một số nước, trong đó có VN, vì đề phòng loại virus Mùa Xuân, gọi tắt là virus SVC mà 2 loại cá này rất dễ bị nhiễm. Đến năm 2006 Mỹ ban hành lệnh này cũng với lý do trên. Sau đó, ngành thú y mà cụ thể là Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP đã mời tất cả các cơ sở nuôi và XK cá cảnh trên địa bàn thành phố tham gia một chương trình hướng dẫn làm cho cá cảnh đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đủ điều kiện XK. Nội dung là phải thực hiện nghiêm ngặt nhiều hạng mục như quy trình nuôi, bảo đảm vệ sinh nước nuôi, nước thải, thức ăn… với khá nhiều chi phí tiền bạc và thời gian, có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng. Vì vậy, lúc đầu có hơn 50 cơ sở tại TP HCM đăng ký tham gia chương trình nhưng sau 2 năm chỉ 3 cơ sở được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật”, do Cục Thú y cấp ngày 9/2/2009. Thời hạn giá trị của Giấy chứng nhận là 2 năm. Ba cơ sở đó là cơ sở của ông Võ Văn Sanh – chủ cơ sở cá cảnh Ba Sanh, ông Tống Hữu Châu – chủ trại cá Châu Tống, ông Lê Hữu Thiện – Giám đốc Cty cổ phần Sài Gòn cá cảnh (TP HCM).
Ông Châu nhận xét: “Quy trình kiểm tra thì nghiêm ngặt, mà khó nhất là làm mà không biết bên Mỹ, EU có công nhận không… Vì vậy rất nhiều lần chúng tôi muốn bỏ không tham gia nữa”. Tuy nhiên, từ khi được chính thức cấp Giấy chứng nhận đến nay cũng đã hơn 6 tháng mà cả ba cơ sở đạt tiêu chuẩn vẫn chưa XK được hàng sang Mỹ và EU. Một DN trong lĩnh vực này bức xúc nói: Ách tắc trong XK cá KOI và cá Vàng nêu trên ngoài khả năng của DN. Thời gian gỡ khó lâu quá, sợ rằng cho đến khi giấy chứng nhận hết hạn mà DN cũng chưa XK được hàng, DN lại phải tốn kém để được cấp giấy khác.
Ông Phạm Lâm Chính Văn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM cho biết: Từ khi Mỹ ra thông báo quy định các tiêu chuẩn nêu trên, Sở NN – PTNT đã nhiều lần gởi công văn ra cho Bộ NN – PTNT nhờ tháo gỡ, Bộ đã giao việc này cho Cục Bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi Bộ Thủy sản sáp nhập Bộ NN – PTNT thì việc này giao về cho Cục Thú y. Cục Thú y cũng đã gửi thư cho cơ quan kiểm dịch Mỹ (APHIS) về vấn đề này. Ông Văn cũng khẳng định: “Không còn vướng mắc gì, chắc chắn là các DN sẽ XK trở lại vào Mỹ”.Mặc dù hiện nay các DN đang ráo riết liên lạc trở lại với các đầu mối của mình bên Mỹ, sẵn sàng XK cá KOI và cá chép vàng trở lại thị trường này, nhưng thực tế vẫn chưa có DN nào XK trở lại được 2 thị trường trên. Đây là điều các cơ quan chức năng nên xem xét và có phương án giải quyết dứt điểm, bởi thông tin về vụ việc này đã được thông báo từ cách đây gần 3 năm.
Khắc DũngNguồn diendandoanhnghiep